Nghề luật và nghề luật sư

18 11 2009

Luật sư

Xin giới thiệu một bài viết khá hay về nghề luật và nghề luật sư. Xin lưu ý, bài viết này dựa trên các văn bản luật cũ về nghề luật sư, bạn có thể cập nhật thông qua các văn bản đã thay thế. Tuy nhiên, về nội dung cơ bản là không thay đổi.

Rất nhiều người tự hào giới thiệu mình làm nghề luật. Khi nghĩ suy về nghề luật trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta cần xác định rõ nghề luật là gì?

1. Nghề luật

Ở nghĩa rộng nhất, nói đến những người làm nghề luật là chúng ta nói đến thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, công chứng viên…

Thẩm phán được hiểu là những người làm việc tại Toà án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án. Thẩm phán – ở nghĩa lý tưởng được hiểu là người được quyền ra quyết định cuối cùng để mang lại sự công bằng cho mọi người, cứu người vô tội và trừng phạt kẻ ác.

Kiểm sát viên là người buộc tội tại phiên toà (ở nước ngoài thường được gọi là công tố viên). Họ được quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố người phạm tội.

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Luật sư là những người hành nghề trong Văn phòng hoặc Công ty luật. Thu nhập của luật sư là từ các khoản thù lao do khách hàng trả.

Công chứng viên là người làm việc tại các Phòng công chứng, có quyền xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng…

Nếu hiểu nghề luật như là nghề kiếm sống có liên quan đến luật, có thể kể ra nhiều công việc khác cũng được gọi là nghề luật như: chấp hành viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật… trong các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu… . Ở nghĩa rộng, chúng ta thấy nghề luật thật phong phú và đa dạng và trong xã hội pháp quyền, tất cả các nghề luật đều cần được tôn vinh một cách xứng đáng.

2. Nghề luật sư

Ở nghĩa hẹp hơn, nói đến nghề luật là chúng ta nói đến nghề luật sư. Nghề luật sư là nghề luật tiêu biểu nhất, nghề luật sư thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật.

Nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Đây là một nét đặc thù riêng của nghề luật sư và nét đặc thù này tác động sâu sắc đến kỹ năng hành nghề, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của luật sư.

Trong suy nghĩ của chúng ta, hoạt động nghề nghiệp của luật sư bao gồm ba tính chất: trợ giúp, hướng dẫn và phản biện.

(i) Tính chất trợ giúp: Do sự phát triển không đồng đều cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, bất kỳ xã hội nào trong cộng đồng dân cư cũng tồn tại những người rơi vào vị thế thấp kém so với mặc bằng xã hội như người nghèo, người già đơn côi, người chưa thành niên mà không có sự đùm bọc của gia đình. Những người ở vào vị thế thấp kém này thường bị ức hiếp, bị đối xử bất công trái pháp luật và rất cần sự giúp đỡ, bênh vực của những người khác và đặc biệt cần sự trợ giúp hoàn toàn vô tư, không vụ lợi của luật sư.

Ở thời kỳ cổ đại, những người dám đứng ra bênh vực, trợ giúp các đối tượng bị ức hiếp được xã hội tôn vinh như là các “hiệp sỹ”. Ngày nay, xã hội loài người đã phát triển nhưng ở nhiều nước, ở nhiều địa phương vẫn tồn tại những người ở vào vị thế thấp kém, vẫn tồn tại sự ức hiếp, sụ đối xử bất công. Hoạt động trợ giúp của luật sư đối với những đối tượng này không chỉ là bổn phận mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của luật sư.

(ii) Tính chất hướng dẫn: Tính chất nghề nghiệp đòi hỏi luật sư không chỉ thông hiểu pháp luật hiện hành mà còn hiểu biết cả tinh thần, nội dung những quy định của pháp luật ở từng thời điểm của thời gian đã qua. Luật sư còn phải hiểu sâu rộng cả tục lệ và bản sắc văn hoá của dân tộc.

Mọi người hiểu và nghĩ về luật sư như vậy, cho nên mỗi khi bản thân hoặc gia đình có điều gì vướng mắc đều tìm đến luật sư, nhờ luật sư tư vấn. Vì vậy, hoạt động của luật sư luôn luôn có tính chất hướng dẫn. Yêu cầu của hoạt động này là hướng dẫn cho đương sự hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật để biết cách xử sự tháo gỡ vướng mắc của họ phù hợp với pháp lý và đạo lý.

(iii) Tính chất phản biện: Tính chất phản biện trong hoạt động của luật sư là những biện luận nhằm phản bác lại lý lẽ, ý kiến quan điểm của người khác mà mình cho là không phù hợp với pháp lý và đạo lý.

Tính chất phản biện trong hoạt động của luật sư, thông thường thể hiện ở lĩnh vực tố tụng, đặc biệt là trong tố tụng hình sự. Điều 36, khoản 3 Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành quy định: “Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Phản biện là phải dựa trên sự thông hiểu tường tận về pháp lý và đạo lý. Hoạt động phản biện của luật sư là lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm chuẩn mực để xem xét mọi khía cạnh của sự việc nhằm xác định rõ phải trái, đúng sai…từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp bảo vệ lẽ phải, loại bỏ cái sai, bảo vệ công lý.

Ở đây có thể có câu hỏi đặt ra là trong trường hợp không phát biện ra điều gì sai, không có cơ sở để phản biện thì luật sư sẽ làm gì?. Xin nêu một câu ngạn ngữ phương Tây: “Luật sư chỉ giỏi khi gặp Công tố viên tồi”. Câu ngạn ngữ này có nghĩa là khi người tiến hành tố tụng hoạt động hoàn toàn đúng pháp luật với những nhận định và kết luận chuẩn xác thì không còn chỗ cho luật sư phản biện. Luật sư không còn chỗ để phản biện, cũng giống như thầy thuốc không có bệnh nhân để chữa thì thật là hạnh phúc.

Hoạt động của luật sư trong trường hợp này chỉ còn ý nghĩa là người chứng kiến. Việc chứng kiến của luật sư không phải là không quan trọng. Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện của luật sư là chỗ dựa tin cậy của bị can, bị cáo. Sự chứng kiến của luật sư trong khi hỏi cung, khi đối chất, khi xét xử đảm bảo chắc chắn rằng quyền và lợi ích hợp pháp mà pháp luật dành cho bị can, bị cáo sẽ được bảo đảm.

Người phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng không thể bị tra tấn, đánh đập, hành hạ về thể xác cũng như xúc phạm nhân phẩm. Sự có mặt của luật sư là cần thiết bởi những người đã lâm vào vòng lao lý, phải đối mặt với uy lực của cơ quan công quyền, không phải ai cũng có đủ can đảm tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Người xưa đã có câu: “Khôn ngoan đến cửa quan mới bíết”.

Do vai trò và tác dụng của hoạt động luật sư, nên Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã nêu rõ: “Bằng hoạt động của mình luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị viết: “Các cơ quan Tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh luận dân chủ tại phiên toà…”

Xuất phát từ tính chất, đặc thù của nghề luật sư, nó đòi hỏi luật sư ngoài các phẩm chất chung là Chân, Thiện, Mỹ, luật sư còn phải là người có khối óc thông minh, tấm lòng trong sáng, dũng cảm, biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội .

II.Nghề luật sư trong quá khứ

Nghề luật sư luôn gắn với sự hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật. Có thể nói luật gia đầu tiên xuất hiên trong xã hội chính là nhà lập pháp, người định ra các quy phạm pháp luật. Sau đó là sự xuất hiện của các thẩm phán, người có nhiệm vụ bảo đảm cho các quy phạm pháp luật được tôn trọng và cũng là người quyết dịnh hình phạt đối với người vi phạm các quy phạm pháp luật.

Lúc đầu, chứng cứ của hành vi vi phạm pháp luật chỉ dựa vào sự suy đoán hay những lời thề thốt, thú nhận của các bên có liên quan. Việc bào chữa, biện hộ cho các bên chưa được bảo đảm. Nghề luật sư xuất hiện, luật sư tham gia vào quá trình xét xử, đảm bảo công việc bào chữa trong các phiên toà.

Nghề luật sư đã xuất hiện ở châu Âu từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Vào thế kỷ V trước Công nguyên, trong nhà nước Hy Lạp cổ, tổ chức toà án hình thành và việc xét xử có sự tham gia của mọi người dân. Nguyên cáo hoặc bị cáo có thể tự trình bày ý kiến, lý lẽ của mình trước Toà hoặc nhờ người khác có tài hùng biện trình bày hộ ý kiến, lý lẽ trước Toà. Việc bào chữa xuất phát tự nhiên nhằm minh oan cho bạn bè hoặc người thân bị nhà cầm quyền bắt giam vô cớ và trừng phạt một cách độc đoán dần phát triển.

Ở La Mã cổ đại, cũng với sự xuất hiện của pháp luật đã xuất hiện những mầm mống của nghề luật sư. Pháp luật La mã cổ đại mang tính huyền bí, thần thánh và việc áp dụng pháp luật gắn liền với lễ nghi tôn giáo. Trong phiên toà, có sự tham gia của các nhà chuyên môn, người am hiểu pháp luật để nhắc lại những quy tắc, quy định tôn giáo để tránh việc viện dẫn sai hoặc vi phạm thủ tục tố tụng.

Trong xã hội dần dần hình thành một nhóm người chuyên sâu, am hiểu về pháp luật và việc diễn giải pháp luật của họ được xem xét như hoạt động nghề nghiệp. Hoạt động của các luật sư được chấp nhận và uy tín của họ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Nghề luật sư được xem như một nghề vinh quang trong xã hội.

Sau khi Đế quốc La Mã tan rã, châu Âu chuyển sang thời kỳ Trung cổ với các triều đại phong kiến phân quyền cát cứ. Tổ chức Toà án và chế độ luật sư ở các nước được xây dựng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm mục đích phục vụ tôn giáo và chế độ phong kiến.

Dưới chế độ tư bản, nghề luật sư được tổ chức chặt chẽ với những điều kiện khắt khe nhằm bảo vệ quyền lợi riêng cho một số ít người xuất thân từ giai cấp bóc lột. Từ xuất phát điểm của những người tự nguyện thực hiện việc bào chữa vì sự thật và công lý, nghề luật sư dưới chế độ tư bản dần dần trở thành nghề tự do, nghề làm vì tiền.

Ở Việt Nam, từ năm 1930 trở về trước, người Pháp chiến độc quyền trong hành nghề luật sư. Với Sắc lệnh ngày 25/5/1930 của Toàn quyền Đông Dương, thực dân Pháp tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn cho những người đã tốt nghiệp luật khoa và đã tập sự 5 năm trong một Văn phòng biện hộ của luật sư thực thụ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 tổ chức đoàn thể luật sư. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được ghi nhận ngay trong Sắc lệnh về Toà án ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà. Do hoàn cảnh kháng chiến, một số luật sư tham gia cách mạng, một số luật sư chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác, nghề luật sư thời kỳ này hầu như không được chú trọng.

Sau hoà bình lập lại, để đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo đã được Hiến pháp 1959 quy định, năm 1963, Văn phòng luật sư thí điểm được thành lập lấy tên là Văn phòng luật sư Hà Nội.

III.Nghề luật sư hiện tại: Vấn đề xây dựng một đội ngũ luật sư đạo đức và tài năng.

Luật sư ở nước ta hiện nay còn đang thiếu và mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của xã hội. Thống kê cho thấy chỉ khoảng dưới 10% vụ án có luật sư. Số luật sư lại chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn (riêng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50 % tổng số luật sư toàn quốc). Luật sư còn rất thiếu ở vùng sâu, vùng xa.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoà mình vào dòng chảy toàn cầu hoá, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về luật sư nói riêng đã không ngừng hoàn thiện, sửa đổi bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư. Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra yêu cầu cấp bách là đất nước cần có một đội ngũ luật sư đạo đức và tài năng. Nghĩ về nghề luật sư hôm nay, chúng ta thấy nổi lên hai vấn đề chính đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp và vấn đề nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của luật sư.

(i) Đạo đức nghề nghiệp của luật sư: Khi bàn về đạo đức nghề nghiệp luật sư, có nhiều ý kiến và quan niệm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, trong xã hội nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải có lương tâm, trách nhiệm đối với nghề của mình trước xã hội. Bởi vậy không cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp luật sư thành vấn đề riêng. Ý kiến khác lại cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi nghề trong xã hội đều mang tính cạnh tranh và nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Nghề luật sư là một nghề giống như các nghề khác, cũng phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường do đó đặt đạo đức nghề nghiệp luật sư thành một vấn đề riêng biệt là hoàn toàn vô lý.

(ii) Người ta bất cứ làm nghề gì cũng đều phải có lương tâm, trách nhiệm đối với công việc của mình. Nhưng mỗi ngành nghề khác nhau đều có tính chất khác nhau, đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề có sự khác nhau. Nhưng nghề luật sư lại có đặc thù riêng, đó là phải gắn liền với các lĩnh vực pháp luật của Nhà nước trong khi đó các ngành nghề khác chỉ quan hệ đến một vài lĩnh vực pháp luật có liên quan mà thôi.

Luật sư là nghề nghiệp đặc thù, đòi hỏi sự “trong sáng về đạo đức”. Người làm công việc này phải tuân theo những quy tắc đạo đức hành nghề bắt buộc, có như vậy mới nâng cao được uy tín và vị thế trong xã hội. Tuy nhiên, giới luật sư Việt Nam lại chưa có những quy định chung này. Hiện chỉ tồn tại quy tắc riêng lẻ do mỗi đoàn luật sư tự ban hành, áp dụng với các thành viên của mình. Rõ ràng là cần phải có bộ quy tắc hành nghề luật sư để đưa ra chuẩn mực điều chỉnh hoạt động của luật sư.

(iii) Theo chúng tôi nghĩ, có thể đưa ra những nguyên tắc chung sau: Trong đạo đức hành nghề, luật sư phải trung thành với khách hàng, không tiết lộ thông tin khách hàng cho bất cứ ai, bất cứ cơ quan nào; không đồng lõa và giúp khách hàng làm những việc sai trái. Liên quan đến việc tiếp nhận vụ việc từ khách hàng, luật sư phải tuân theo các quy tắc: Không mâu thuẫn quyền lợi (không đại diện cho hai khách hàng trong cùng một vụ việc có quyền lợi đối lập). Luật sư phải từ chối các vụ việc không thuộc lĩnh vực của mình và giúp khách hàng tìm các luật sư có lĩnh vực chuyên môn phù hợp. Luật sư cũng không được buôn bán cổ phiếu, không làm ăn chung với khách hàng…

(iv) Nâng cao và đổi mới kỹ năng hành nghề luật sư: Việc hành nghề của luật sư hôm nay đòi hỏi phải có sự nâng cao và đổi mới về kỹ năng hành nghề để bắt kịp những yêu cầu của tiến trình đổi mới và hội nhập.

Trong tổng số gần 4.000 luật sư Việt Nam hiện nay, kể cả luật sư tập sự, chỉ có khoảng 50 người hiểu biết về luật pháp quốc tế, có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong những giao dịch thương mại quốc tế. Song thực sự chỉ chừng 10-15 luật sư là đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp luật thế giới (Những tiêu chuẩn pháp luật thế giới được hiểu là các kiến thức pháp luật chung, uy tín, khả năng tranh tụng ở tòa nước ngoài, được khách hàng nước ngoài tin tưởng, khả năng ngoại ngữ…)

Từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng Việt Nam cần phải có một đội ngũ luật sư chuyên về hội nhập kinh tế thế giới, nếu không doanh nghiệp trong nước dễ lâm vào tình trạng “kiếm củi 3 năm đốt 1 giờ”. “Vấn đề ở đây là hội nhập toàn cầu, nếu doanh nghiệp không được trang bị tốt những kiến thức về luật lệ chung của thế giới, những rào cản, sân chơi riêng của từng quốc gia… thì sẽ dễ vấp những vụ tranh tụng dẫn đến thua kiện, phá sản, mất thị trường nhanh chóng.

Nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra như vụ Bỉ bắt giữ Phó giám đốc Công ty Afiex Bửu Huy theo yêu cầu của Mỹ, sự cố tàu Cần Giờ bị Tanzania bắt giữ, Hàng không VN thua kiện tại Italy…, chính là hậu quả của tình trạng ngại trang bị kiến thức pháp luật quốc tế thông qua luật sư trong giới doanh nghiệp, cũng như thể hiện sự yếu và thiếu của đội ngũ luật sư trong nước.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật không rõ ràng, đồng bộ, thiếu; cơ chế tranh tụng tại tòa khá mới mẻ so với luật sư Việt Nam; thiếu luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại như sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải, thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế…

Trên thực tế, các luật sư Việt Nam tham gia rất hạn chế trong giải quyết các vụ kiện có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Đa phần luật sư của chúng ta chỉ tham gia bào chữa tại các phiên toà xử các vụ án dân sự, hình sự, lao động, kinh tế và các quan hệ khác ở trong nước. Việc tham gia giải quyết những tranh chấp có yếu tố nước ngoài đối với luật sư Việt Nam hiện đang còn những khó khăn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do việc định hướng đào tạo đội ngũ luật sư về kinh tế, thương mại, vận tải, dịch vụ quốc tế có thể nói là yếu và rất hạn chế. Bên cạnh đó, đối với các luật sư Việt Nam có một cái rào cản rất lớn là ngoại ngữ. Hiện những luật sư thông thạo ngoại ngữ để có thể tham gia các vụ kiện quốc tế mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đang có kế hoạch để đào tạo, chuẩn bị cho đội ngũ luật sư Việt Nam có thể tham gia vào được các vụ kiện, các vụ tranh chấp quốc tế giữa các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để tới đây, chúng ta có thể chủ động và khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo chúng tôi cần phải làm rất nhiều việc, cần phải có những biện pháp tổng thể nhưng trước mắt có thể thực hiện ngay hai việc sau: Thứ nhất, trong các lớp đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, ngoài nội dung có tính chất kỹ năng nghề nghiệp thì phải cung cấp thêm những kiến thức như: thương mại, tư pháp quốc tế, kinh nghiệm giải quyết các vụ tranh chấp và những vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài…. Thứ hai, hiện nay chúng ta có nhiều văn phòng luật sư, công ty luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Thông qua hợp tác và thực tập tại các văn phòng này, các luật sư Việt Nam sẽ có điều kiện học hỏi, trao đổi và tham gia vào các vụ việc giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, như chúng ta biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án trình với Chính phủ để chọn lựa một số luật sư giỏi, có khả năng ngôn ngữ để gửi đi đào tạo ngắn hạn để về phục vụ cho đất nước.

IV.Trong tương lai: Luật sư cần phải làm gì?

Theo đánh giá sơ bộ, Việt Nam phải có được từ 18.000 tới 20.000 luật sư hành nghề, tức là gấp 5 lần số luật sư hiện nay. Không thể có phép mầu nào thực hiện được điều này một cách nhanh chóng, theo suy nghĩ của chúng tôi, lộ trình đào tạo để có được một đội ngũ luật sư đạo đức và tài năng phải qua hàng chục năm. Trước mắt, theo chúng tôi trong thời gian sắp tới, mỗi luật sư cần phải có những định hướng cụ thể cho mình để đáp ứng những yêu cầu của công cuộc hội nhập và để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.

(i) Luật sư cần chuyên môn hoá lĩnh vực hoạt động của mình: Làn sóng thương mại và đầu tư mới đổ vào Việt Nam trong thời gian hậu WTO sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các tranh chấp liên quan đến thương mại và đầu tư chắc chắn ngày càng nhiều và phức tạp. Do đó để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có ý thức “phòng bệnh” thông qua các luật sư. Điều này bắt buộc các luật sư phải chuyên môn hoá hoạt động của mình.

Vẫn biết rằng người hành nghề luật sư cần am hiểu về mọi lĩnh vực pháp luật, nhưng trong xu hướng hội nhập hiện nay các vụ án hình sự và phi hình sự rất đa dạng, xuất hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống cho nên luật sư cần xác định cho mình lĩnh vực tranh tụng chuyên sâu để hành nghề. Bên thềm hội nhập, chúng ta cũng không thể đi khác với xu hướng hành nghề của các luật sư trên thế giới hiên nay.

Luật sư của các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law hay Common Law đều hành nghề theo hướng chuyên môn hoá một lĩnh vực cụ thể. Ở các nước đó chúng ta không xa lạ gì khi nghe đến tên gọi “luật sư hình sự”, “luật sư về thừa kế”, “luật sư về hôn nhân & gia đình”, “luật sư về ngân hàng”, “luật sư về chứng khoán”, “luật sư về bảo hiểm”, “luật sư về bất động sản”, thậm chí có “luật sư về bồi thường thiệt hại”, “luật sư chuyên về tai nạn giao thông”….

Khách hàng của luật sư hôm nay không chỉ dừng lại là những khách hàng mang quốc tịch Việt Nam mà họ còn là khách hàng mang quốc tịch của nhiều quốc gia khác. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, các luật sư cần chủ động, linh hoạt hoàn thiện mọi điều kiện hành nghề cần thiết cho bản thân để mở rộng đối tượng phục vụ cho mình, hướng tới phục vụ cho cả các khách hàng nước là cá nhân, tổ chức nước ngoài.

(ii) Luật sư cần cập nhật kiến thức pháp luật mới: Luật sư phải căn cứ vào lĩnh vực chuyên sâu hành nghề của mình là gì để đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức pháp luật mới (đặc biệt là pháp luật quốc tế) và các kiến thức ngoại ngữ, tin học. Điều này sẽ giúp cho luật sư hướng tới cơ hội tham gia tranh tụng tốt tại các phiên toà của các vụ việc có yếu tố nước ngoài hay xét xử tại nước ngoài. Xu hướng hội nhập buộc các luật sư trẻ của chúng ta phải tự hoàn thiện đầy đủ các kiến thức chuyên môn cũng như khả năng ngoại ngữ, tin học để tự tin hành nghề, độc lập tranh tụng tại bất cứ đâu, cho dù nơi xét xử nằm ngoài biên giới Việt Nam.

Chúng ta sẽ không thể có các luật sư tranh tụng các vụ kiện kinh doanh – thương mại giỏi trên thương trường quốc tế nếu luật sư của chúng ta không có khả năng ngoại ngữ lưu loát khi tranh tụng, không hiểu biết về quy tắc UNCITRAL, về pháp luật của WTO liên quan tới GATT, GATS, TRIMS, TRIPS…cũng như pháp luật của các nước có chủ thể tham gia tố tụng hữu quan . Ngày nay, hình ảnh nhiều luật sư sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng của công nghệ thông tin như truy cập website, gửi nhận thư điện tử, truyền dữ liệu là hình ảnh, âm thanh…..không còn xa lạ với chúng ta khi nhìn thấy họ tác nghiệp và hành nghề.

Vì vậy, việc đầu tiên để các luật sư nâng cao kỹ năng tranh tụng của mình trong các vụ án hình sự hay phi hình sự là yêu cầu chuyên môn hoá lĩnh vực tranh tụng, hoàn thiện kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học trước khi tiếp nhận vụ việc từ khách hàng và chuẩn bị tham gia phiên toà.

Bên cạnh việc chuyên môn hoá lĩnh vực tranh tụng, giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, tin học luật sư cần phải đổi mới kỹ năng tiếp xúc và làm việc với khách hàng khi nhận bào chữa hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Để làm được điều này, các văn phòng luật sư cần chuẩn bị các mẫu giấy tờ rõ ràng, mang tính chuyên nghiệp, đơn giản mà không mang nặng tính hành chính để giúp cho việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng được nhanh chóng, thuận tiện.

Bên cạnh đó, cũng cần công khai Bảng tính mức thù lao, danh sách các luật sư được chuyên môn hoá trong từng lĩnh vực tranh tụng cụ thể, tiến trình tố tụng để giải quyết yêu cầu của khách hàng để khách hàng được biết trước khi ký Hợp đồng. Kỹ năng tiếp xúc khách hàng hiện nay buộc luật sư phải kết hợp và coi khách hàng như một người cộng sự trong quá trình giải quyết vụ việc của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc luật sư cần có sự nhận thức mới về quan hệ giữa luật sư với khách hàng.

Đã qua đi cái thời mà khách hàng chẳng hiểu biết và cũng không cần biết về vụ việc, miễn là giao “trọn gói” cho luật sư thực hiện yêu cầu giúp đỡ pháp lý của mình. Tham gia tranh tụng hôm nay, luật sư chúng ta cần phải nhận thức là chúng ta đang “hợp tác” với khách hàng chứ không phải khách hàng đang “nhờ vả” chúng ta để chúng ta cho mình cái quyền quyết định mọi thứ không cần hỏi ý kiến khách hàng ngay cả khi họ là những người trình độ văn hoá thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Cho nên, luật sư trong quá trình trao đổi với khách hàng cần thông tin thường xuyên về tình hình công việc luật sư đang thực hiện, đặc biệt cần phải làm cho khách hàng nhận diện bản chất của vụ việc một cách trung thực, rõ ràng.

(iii) Đổi mới tư duy về quyền con người: Luật sư tham gia tranh tụng hôm nay phải nhận thức và đổi mới tư duy về quyền con người – bởi quyền con người luôn được tôn trọng và ngày một nâng cao cho dù thân chủ chúng ta là bị cáo, người bị hại hay các đương sự. Do vậy, đối với việc tham gia tranh tụng trong vụ án hình sự luật sư đừng quá lệ thuộc vào kết luận điều tra, cáo trạng hay quyết định đưa vụ án ra xét xử của Toà án mà có tư duy làm sao để bảo vệ thân chủ tối đa – hãy quyết định đường hướng giải quyết vụ việc trong nhận thức của luật sư trên cơ sở luật định mặc dù trước đó đã có những chứng cứ buộc tội, bất lợi cho thân chủ.

Còn trong tố tụng phi hình sự, xu hướng hiện đại cho thấy các vụ án đều hướng đến vấn đề hoà giải mà không cần tới việc xét xử của Toà án. Do vậy, đối với tranh tụng phi hình sự, bên cạnh việc quan tâm và bảo vệ lợi ích tối đa cho thân chủ luật sư phải nhận diện đúng yêu cầu của thân chủ, bản chất của vụ việc để có sự đánh giá khách quan và hướng thân chủ đến với hoà giải nếu điều đó cũng là mong muốn của thân chủ, hoặc thân chủ không mong muốn nhưng việc xét xử sau này sẽ bất lợi cho họ nếu căn cứ theo quy định pháp luật…

Chúng tôi cho rằng một xã hội dân sự có nền tư pháp dân chủ, văn minh là xã hội không phải có thật nhiều các bản án được tuyên thấu tình, đạt lý mà phải là xã hội ít tranh chấp, nếu có tranh chấp thì trước tiên phải được giải quyết bằng con đường hoà giải mà các bên vẫn đạt được quyền lợi cho mình chứ không chỉ tưu duy theo lối quyền lợi của mình chỉ có thể đạt được khi có bản án có hiệu lực của cơ quan Toà án. Đây cũng là xu hướng chung hiện nay được giới luật sư của các nước đang phát triển coi trọng và áp dụng.

(iv) Hoàn thiện kỹ năng tranh tụng: Xu hướng tranh tụng gần đây và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO buộc chúng ta phải tuân thủ các cam kết quốc tế và pháp luật quốc tế, chắc chắn vấn đề tranh tụng công khai tại phiên toà sẽ là con đường xác định sự công bằng, lẽ phải để tuyên án. Do vậy, các luật sư cần phải tích cực tham gia, tham dự các phiên toà nhiều hơn để đúc kết kinh nghiệm cho mình; đồng thời ngoài việc lập sẵn cho mình kế hoạch xét hỏi, cần biết dự đoán các vấn đề cần tranh tụng công khai tại phiên toà trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ kết hợp với quan điểm bào chữa, bảo vệ của luật sư.

Để làm được điều này, các luật sư cần phải giành thời gian để tự hùng biện quan điểm bào chữa hay bảo vệ của mình đối với yêu cầu của thân chủ. Kỹ năng nói, tốc độ nói, giọng nói, phong thái, tư thế đi lại tại phiên toà là những vấn đề bắt buộc luật sư phải quan tâm và xử lý tốt mới giúp luật sư tự tin. Các luật sư phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn kỹ năng của mình đối với phần tranh luận công khai tại phiên toà. Do vậy bài bào chữa hay bản luận cứ nên để dưới dạng “mở” có thể thay đổi linh hoạt cho phù hợp với diễn biến phiên toà chứ không nên theo cách chuẩn bị cổ điển “đóng” bằng cách viết sẵn để đọc và trình bày trước Hội đồng xét xử.

Luật sư của các nước theo pháp luật Common Law mặc dù chịu sự điều chỉnh rất lớn của các “án lệ” trước đó, nhưng không vì thế mà họ không thể hiện tốt kỹ năng tranh luận để bảo vệ tối đa cho thân chủ mình, trái lại tại các phần tranh luận luật sư luôn là người chủ động, điều khiển phần tranh luận theo đúng mục tiêu cần đạt tới của mình.

Suy nghĩ về nghề luật sư, chia sẻ với những nghĩ suy của những luật sư có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, chúng ta nhìn nhận về nghề luật sư trong quá khứ để hiểu nghề luật sư hiện tại và hướng tới nghề luật sư trong tương lai như một nghề cao quý, một nghề được cả xã hội tôn vinh.

(Sưu tầm)


Hành động

Information

15 responses

5 06 2011
Mai Uyên

e dang hoc lay chung chi nghe luat su. rat thich bai viet nay cua anh Hung.

5 06 2011
Hưng Ngô

Hi Mai Uyen, Rat vui vi em da danh thoi gian de doc bai nay. Cung rat lay lam tiec cho anh la anh khong phai la chu nhan cua bai viet nay manh chi suu tam va dang lai de chia se cho moi nguoi dau biet la cung co the tac gia se khong dong y. Tuy nhien, voi tinh yeu nghe va long ham muon duoc chia se, truyen lua, nhiet huyet nghe, thi tac gia cung se khong “nang tay” voi anh.

1 10 2011
Ta Ngoc Ha

Em đang theo học luật, nhưng thấy nghề luật ở Việt Nam khó xin việc quá, đang nản. Tình cờ đọc được bài viết này, thấy có động lực hơn rồi ạ, thanks nhiều ạ!!

1 10 2011
Hưng Ngô

Thực ra làm nghề luật không khó xin việc đâu em. Anh thấy rất nhiều nơi từ các công ty luật cho đến các công ty đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên luật. Tuy nhiên, em nên cố gắng học tiếng Anh cho tốt, tranh thủ đi tích lũy kinh nghiệm từ năm thứ ba đến thứ tư tại các công ty hoặc văn phòng luật sư là tốt nhất.

29 06 2012

cháu đang chuẩn bị thi luật, cháu cũng nghe mọi người nói là nếu học luật thì phải rất giỏi tiếng anh,nếu không rất khó xin việc lương cao hoặc thất nghiêp, nhưng cháu cũng chưa hình dung được phải giỏi đến mức nào, ví dụ ielts phải bao nhiêu, mức độ giỏi tiếng anh với các ngành nghề khác như thế nào, rất mong chú có thể cho cháu lời khuyên, cháu rất cảm ơn!

9 07 2012
Hưng Ngô

Chào Tú:

Nghề luật cũng như mọi nghề khác thôi Tú ạ, tiếng Anh luôn là một phương tiện để bạn “đi” vào và “đi” trong nghề nhanh hơn. Khi tiếng Anh tốt, bạn không bị rào cản ngôn ngữ khi làm việc với những khách hàng không biết tiếng Việt cũng như bạn dễ dàng tham khảo và hiểu hơn các quy định pháp luật của các quốc gia khác. Qua đó, bạn sẽ dễ làm việc với khách hàng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bạn có phương tiện tốt là tiếng Anh, thì một điều quan trọng và quyết định sự thành công trong nghề là khả năng của bạn. Khả năng thì bao gồm như tư duy, kỹ năng, v.v. mà bạn cần có để hành nghề luật sư.

Chỉ có một vài chia sẻ với bạn là, hãy tranh thủ học tiếng Anh qua phim ảnh, sách báo, bạn bè bên cạnh những giờ học tiếng Anh chính thống (có thể là Toefl, Ielts, v.v.). Đó là nền tảng để bạn tiếp thu và học thuật ngữ chuyên ngành luật về sau. Tuy nhiên, bạn cũng cần cố gắng học tốt cả chuyên môn, đọc thêm nhiều sách, báo, tạp chí để rèn cả cho mình cách viết thật tốt tiếng mẹ đẻ nữa.

Chúc bạn sẽ thành công với lựa chọn của mình. Luôn nhớ rằng, không có thành công nào trải đầy hoa hồng cả, cứ kiên nhẫn, nỗ lực và cố gắng, thành công sẽ đến với bạn.

Regards/Hưng

25 04 2013
ước an

bài viết hay phản ánh đúng thực trạng cũng như hướng đi của luật sư hiện nay

18 06 2013
Tin Moi

I think the admin of this web page is actually working hard in favor of his
website, for the reason that here every material is quality based stuff.

7 12 2013
Hoang Anh

Bài viết này sưu tầm từ nguồn nào đấy ạ. Đọc thấy quen quen.

7 12 2013
Ngô Minh Hưng

Mình không rõ, vì đọc trên mạng thấy hay nên post lên blog này để share cho mọi người.

20 05 2014
sach phong thuy

sach phong thuy

Nghề luật và nghề luật sư | Trang của Luật sư Ngô Minh Hưng

8 09 2014
morningkat

Chào luật sư,
Tình cờ cháu vào blog và đọc được bài này làm cháu thấy rất có ích, nhất là phần chuyên môn hóa trong nghề luật sư.
Hiện giờ cháu đang học tài chính chứ không học luật. Nhưng sau khi tốt nghiệp cháu dự định học văn bằng 2 luật vì mai sau cháu muốn làm luật sư chuyên về tài chính.

8 09 2014
Ngô Minh Hưng

Rất hy vọng sớm được làm đồng nghiệp của bạn.

14 10 2014
Thụy Viên

Con người làm bất cứ ngành nghề gì đều cần phải có đạo đức. Nghề luật sư cũng vậy. Tuy nhiên đạo đức là một phạm trù trừu tượng, nó được đa số trong xã hội thừa nhận, nhưng không phải ở xã hội nào, ai ai cũng cụ thể hóa được đạo đức như một nguyên tắc. Con người được tôn trọng và không bị xã hội lên án nhờ sống có đạo đức, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Nhưng ranh giới giữa đạo đức và một số phạm trù khác như pháp luật, truyền thống, tập quán hay ngay cả những cái không được cho là đạo đức không phải lúc nào cũng phân biệt rõ ràng.
Nghề luật sư cần đạo đức, và cũng như mọi nghề khác là phải hành nghề trong khuôn khổ ấy. Nhưng nếu không cụ thể hóa “đạo đức” của nghề thì mỗi người sẽ làm một kiểu, và sự tranh luận về hành động này được coi là có đạo đức hay không sẽ không có hồi kết. Rõ ràng đòi hỏi của xã hội đối với luật sư là phải có đạo đức và phải tự giác trong công việc. Thế nhưng đâu phải ai mang danh luật sư cũng đều là người vô tư không vì tư lợi cá nhân trong những lúc nào đó. Đạo đức luật sư cũng là một “luật” để cho đội ngũ luật sư phải áp dụng thi hành trong công việc. Mà đã là luật thì một khi được ban hành đối tượng của nó phải chấp hành nghiêm chỉnh. Như vậy mới đảm bảo được hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của mỗi luật sư nói riêng, đảm bảo được lợi ích của những đối tượng liên quan đến hành nghề luật sư nói chung.
Như vậy, thành văn hóa quy tắc đạo đức nghề luật sư là hoàn toàn cần thiết.

6 04 2017
Ngô Minh Hưng

Hoàn toàn đồng ý với nhận định của Thụy Viên. Tuy nhiên, chỉ có ý kiến nhỏ là Liên đoàn Luật sư có ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề đó, một số nội dung thì khá thi tiết, một số thì chưa rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau. Điều ấy có lẽ sẽ được hoàn thiện dần trong quá trình phát triển của nghề Luật sư tại Việt Nam. Cái gì mà chả cần có thời gian hả bạn? Miễn là ta ý thức được việc cố gắng tuân thủ tối đa những quy tắc đó khi hành nghề, thì cũng rất tốt rồi. Để tốt hơn, chi tiết hơn chúng ta sẽ xây dung dần qua thời gian vậy.

Bình luận về bài viết này