Luật sư tranh tụng: chuẩn bị cho phí cố định

14 05 2014

american dollars and stopwatch

Tom Kane viết trên Legal Marketing Blog

Dịch bởi Ngô Minh Hưng

Khi mức phí trần hoặc phí cố định đã bắt đầu trở nên bị giễu cợt trong khoảng vài năm qua, Thành Viên của một số công ty luật của tôi nói rằng “Sẽ không làm tranh tụng nữa, vì nó quá khó dự đoán”.  Vâng, vậy thì chào mừng đến với thế giới mới.

Một bài viết gần đây của Catherine Ho trên Báo Bưu Điện Washington là “Kinh Doanh Vốn” (Capital Business) đã nêu lên một câu hỏi về sự cáo chung của việc tính phí theo giờ. Cô đã chỉ ra rằng 5 năm trước đây, chỉ có 28% các công ty luật “tin rằng tính phí không theo giờ sẽ trở thành một sự thay đổi căn bản trong ngành công nghiệp pháp lý.” Theo khảo sát nhanh của Altman Weil’s “2013 Law Firms in Transition”.  Trong năm 2013, tỉ lệ này tăng lên 80%.  Thật ngạc nhiên, thậm chí có một số người còn tin tằng đó là một xu hướng rõ ràng và nó sẽ xảy ra.

Ho cũng chỉ rằng một số công ty luật lớn – Holland & Knight và McDermott Will & Emery – “đã hoàn toàn không sử dụng phương cách tính phí theo giờ đối với mọi người.” Bạn có thể hỏi, Vậy vấn đề là gì?  Vấn đề đó là chào mức phí cố định là một cách thức tiếp thị thông minh.  Các công ty luật mà làm điều đó sẽ có lợi thế hơn các công ty luật không làm.  Những công ty luật mà không chào mức phí cố định có thể được xem là gửi đi một tín hiệu đối với các khách hàng tiềm năng rằng: (1) chúng tôi có thể không có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này để ước chừng được rằng một vụ việc như vậy thì được thực hiện như thế nào, (2) chúng tôi không có những vụ tương tự nên chúng tôi không biết nó sẽ hết bao nhiêu và (3) chúng tôi không sẵn lòng chia sẻ rủi ro.

Vậy, theo ngu ý của tôi, các công ty luật đã chuẩn bị cho việc chào phí có chọn lựa, bao gồm cả phí cố định, đã nhảy vào cuộc chiến.

Bình luận:

[Để tăng thêm tính tương tác với mọi người thường xuyên theo dõi blog này, kể từ năm 2014 trở đi, khi giới thiệu các bài viết khác trên blog, tôi sẽ đưa ra các bình luận riêng của mình về nội dung các bài viết đó.  Rất mong sẽ nhận được sự phản hồi, trao đổi, tranh luận của mọi người liên quan đến các chủ đề được giới thiệu trên blog này.]

Có thể, bạn đọc bài viết này và nhận thấy, thật buồn cười, ở Việt Nam luật sư chúng tôi đã tính phí cố định lâu lắm rồi. Luật sư Mỹ đã chậm chân hơn chúng tôi rồi!?

Kỳ thực có phải như vậy? Tôi nghĩ là không? Với văn hóa pháp lý Mỹ, phí luật sư luôn được trả cho luật sư theo số giờ luật sư thực tế bỏ ra để thực hiện công việc cho khách hàng.  Điều ấy cũng phù hợp, nó đảm bảo luật sư sẽ được trả theo đúng công sức họ bỏ ra, mặt khác cũng là để đảm bảo trách nhiệm họ luôn theo sát công việc, tránh trường hợp khi phí thực tế đã vượt mức phí trần đã thỏa thuận với khách hàng, luật sư không muốn làm hoặc sẽ làm chểnh mảng công việc của khách hàng.

Tuy nhiên, điều ấy cũng có nghĩa khách hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro là số tiền bill của luật sư sẽ rất lớn, có khi lớn không kém số tiền họ đòi được hoặc tránh được. Chưa kể, có việc kéo dài thời gian làm việc quá so với thực tế (hay bôi giờ) của một số luật sư.

Cho dù như vậy, thì việc tính phí theo giờ vẫn là một thông lệ và văn hóa pháp lý của Mỹ, các nước khác cũng đang làm theo.  Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra và kéo dài, lẽ tất nhiên, người sử dụng dịch vụ pháp lý sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, trong đó, có cả việc hạn chế và giảm chi phí luật sư.  Do đó, để thích ứng, đương nhiên, các công ty luật phải tìm cách để tính toán lại cách tính phí, rõ ràng một mức phí cố định sẽ hấp dẫn khách hàng hơn và nó có tính kiểm soát chi phí được đối với khách hàng. Do đó, nó sẽ đòi hỏi các công ty luật phải tư duy nhiều hơn khi chào phí cho khách hàng để đảm bảo việc chào phí là hợp lý, tức có thể “xác định” và có thể “kiểm soát chi phí” được đối với khách hàng và luật sư cũng không bị “lỗ”.

Còn vì sao, tôi nói cách tính phí cố định của luật sư Việt Nam khác Mỹ.  Đó là chúng ta đa phần tính theo cảm tính, theo giá trị tranh chấp rồi ấn định, chứ chúng ta không thể lường trước được khối lượng chúng ta sẽ phải làm để tính và đưa ra một mức phí cố định hợp lý.  Tuy vậy,  sau nhiều lần chào phí bị “lỗ”, tôi nghĩ các luật sư Việt Nam chúng ta ắt hẳn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn.





2013 in review

31 12 2013

The WordPress.com stats helper monkeys prepared a 2013 annual report for this blog.

Here’s an excerpt:

A San Francisco cable car holds 60 people. This blog was viewed about 3,300 times in 2013. If it were a cable car, it would take about 55 trips to carry that many people.

Click here to see the complete report.





Đã tạo ấn tượng tốt khi tiếp xúc, nhưng khách hàng lại không gọi cho bạn?

3 10 2013

Legal Marketing

Tất nhiên khách hàng sẽ không gọi cho bạn, có thể vì một số lý do như: họ không có nhu cầu vào lúc đó, có đến 80% khả năng là họ đã quên những gì bạn nói sau 2 ngày, hoặc họ có thể đã quên mất tên của bạn, v.v. Vậy, là một người luật sư bạn phải xử lý như thế nào?

Bạn hãy tiếp tục xây dựng mối quan hệ. Thực tế là trong hầu hết các trường hợp thì khách hàng sẽ không dễ dàng thuê bạn, ngay sau khi gặp bạn. Hoặc là cũng sẽ không thuê dù đã gặp bạn đến lần thứ 20. Điều quan trọng là bạn vẫn phải làm cho khách hàng nghĩ đến bạn đầu tiên khi họ cần một luật sư như bạn, thì họ mới gọi cho bạn.

Ruth Carter đã viết một bài rất hay trên trang Attorney at Work kể về một câu chuyện của một người đã mua lốp xe của một người bán hàng sau 18 tháng họ gặp nhau. Tại sao và làm thế nào ư? Ban đầu, người mua đó không có nhu cầu mua lốp xe khi gặp người bán hàng, và khi bà ta muốn mua lốp xe, bà đã mua từ người bán hàng đó vì bà gặp anh ta ở khắp nơi. Anh ta tham gia các “chương trình nhịp cầu kinh doanh, hội chợ cộng đồng, các nhóm liên kết”. Đó là cách mà bạn cũng phải thực hiện.

Bạn có thể hỏi, làm sao dịch vụ của luật sư lại có thể so sánh với việc bán lốp xe đúng không. Và bạn có thể nói, “tôi nhớ là tôi đã từng tạo ấn tượng rất tốt khi tư vấn một số vấn đề pháp lý miễn phí đó chứ”. Bạn của tôi ơi, hãy thực tế chút đi. Phát triển mối quan hệ trong kinh doanh là cả một quá trình, không phải là một ván cờ ăn may. Carter đã chứng tỏ rằng, người mua đã quý người bán khi họ gặp nhau, qua thời gian sau thì bà hiểu về anh ta nhiều hơn và cuối cùng là đặt niềm tin vào anh ta.

Đó chính xác là những điều luật sư cần làm:

  • Gặp gỡ;
  • Phát triển mối quan hệ để khách hàng tiềm năng có thể hiểu, quý và tin tưởng bạn;
  • Kết bạn (cả Carter và người bán không đều không cố chèo kéo để bán sản phẩm của mình khi họ gặp khách hàng, mà chỉ để họ hiểu nhau hơn qua thời gian); và
  • Điều quan trọng nhất (trong trường hợp mà tôi quên nhắc đến) là hãy xuất hiện ở những nơi mà khách hàng tiềm năng của bạn có thể đến.

Nếu bạn muốn có khách hàng, bạn phải làm những việc mà có thể lưu lại ấn tượng lâu dài để khách hàng luôn nhớ đến bạn đầu tiên khi họ cần một luật sư. Một câu chuyện hay gặp gỡ một lần không hữu ích cho lắm đâu.

Người dịch: Phương Ý Nhi

Nguồn: Legal Marketing Blog





Giới thiệu sách: Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn – Trương Nhật Quang

19 08 2013

suc_manh_ngoi_but_01376279857Có thể nói, đây là một cuốn sách hướng dẫn rất hay về nghề luật sư tư vấn nói riêng và nghề luật sư nói chung của tác giả là một luật sư hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Một cuốn sách mang tính chất định hướng, hướng dẫn đúng nghĩa cho các luật sư trẻ mới vào nghề. Bạn không chỉ tìm thấy ở đó những kinh nghiệm quý báu từ sự chia sẻ của tác giả về tư duy pháp lý cần có khi hành nghề của luật sư, mà bạn còn tìm thấy cả những kỹ năng cần thiết khi làm việc trong một môi trường rất đặc biệt của nghề luật là các công ty luật.

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không chỉ những luật sư tư vấn trẻ tìm thấy cho mình những bài học, hướng dẫn quý báu mà cả những luật sư tranh tụng như tôi cũng tìm thấy trong đó nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Sách hay phải chia sẻ, đó là quan điểm của tôi. Qua blog này, tôi muốn giới thiệu và chia sẻ với các bạn sinh viên sẽ, sắp ra trường và cả những bạn luật sư mới vào nghề cuốn sách:  Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn của Luật sư Trương Nhật Quang.

Dưới đây là đoạn trích giới thiệu:

Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn giới thiệu cho đối tượng bạn đọc là các luật sư trẻ những kỹ năng cơ bản cần có để thành công trong một công ty luật chuyên nghiệp. Các luật sư trẻ ở đây được hiểu là các cử nhân luật đã bắt đầu quá trình tập sự trong công ty luật và chuẩn bị thi để lấy “chứng chỉ hành nghề luật sư” hoặc các luật sư đã gia nhập đoàn luật sư nhưng chỉ mới bắt đầu hành nghề từ 1 đến 6 năm.

Ngoài luật sư trẻ, các giảng viên và sinh viên trường luật hay những ai quan tâm đến lĩnh vực này cũng có thể tìm thấy các thông tin bổ ích cho quá trình dạy và học kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn.

Hãy đọc thật chậm và suy nghĩ về những vấn đề được trình bày kỹ lưỡng trong sách. Thách thức về mặt trí tuệ chắc chắn sẽ giúp bạn nghiền ngẫm và nhớ lâu các kinh nghiệm mà tác giả chia sẻ trong ấn phẩm tâm huyết đầu tay này.

Tác giả Trương Nhật Quang là luật sư điều hành công ty luật hợp danh YKVN và phụ trách Bộ phận tư vấn luật tài chính ngân hàng của YKVN. Là một trong những người sáng lập YKVN, luật sư Trương Nhật Quang đã điều hành YKVN từ năm 1999. Trước khi làm việc ở YKVN, tác giả đã làm việc ở công ty luật Mỹ White & Case từ năm 1994 đến năm 1999.”





Góp Ý Dự Thảo “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại”

26 05 2013

arbitration

Xin giới thiệu tiếp một số ý kiến góp ý cho Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số quy định của LTTTM do tôi cùng một đồng nghiệp thực hiện. Đứng trước một thực tiễn hiện nay khi có khá nhiều phán quyết của Trọng tài bị Tòa án hủy, thì việc nghiên cứu và góp ý cho một nghị quyết hướng dẫn LTTTM lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ.  Tôi rất mong sẽ nhận được những ý kiến trao đổi từ các bạn đồng nghiệp về Dự thảo nghị quyết này.

GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại[1]

1.  Phân biệt thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài và Tòa án trong trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Tại mục IV.2 của Tờ trình[2] Dự thảo[3] trình bày hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm được Viện Khoa học xét xử[4] đồng tình tuân thủ tinh thần Điều 6 và Điều 4.1 Luật TTTM, nghĩa là thỏa thuận hợp pháp của các bên phải được tôn trọng. Do đó, nếu các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Tòa án thì cơ quan nào được nguyên đơn nộp đơn trước sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, chúng tôi đồng tình với quan điểm còn lại là trong trường hợp này thẩm quyền thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Trọng tài bởi hai lý do sau đây:

(i)  Thứ nhất, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đương nhiên thuộc về Tòa án nên việc các bên có hay không có thỏa thuận về việc chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng không ảnh hưởng đến thẩm quyền xét xử của tòa án, trừ một số trường hợp thỏa thuận chọn tòa án theo lãnh thổ trong Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự[5]. Tuy nhiên, đối với thỏa thuận trọng tài thì lại khác, nếu các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thì thỏa thuận này cần được tôn trọng và được ưu tiên áp dụng, điều này phù hợp với quy định của Luật TTTM hiện hành[6]

(ii)  Thứ hai, nếu cho rằng Tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Tòa án, thì vô hình chung đã làm giảm hiệu lực của thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, trong khi theo Luật TTTM thì dường như chỉ cần các bên có thỏa thuận trọng tài, thì Trọng tài đã có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Do vậy, khi có thỏa thuận này, theo chúng tôi Trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và Tòa án phải từ chối khi nhận được đơn kiện có thỏa thuận này.

2.   Vấn đề xác định thẩm quyền xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Tại mục IV.3 Tờ trình, Viện KHXX thể hiện Dự thảo Nghị quyết theo ý kiến cho rằng Hội đồng trọng tài và Tòa án đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi các bên có yêu cầu mà không phân biệt cơ quan nào có thẩm quyền trước cơ quan nào.

Tuy nhiên, chúng tôi đồng tình với quan điểm không được Dự thảo này chọn là Tòa án chỉ xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài khi có khiếu nại của các bên đối với quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề trên. Theo chúng tôi, quan điểm này, một mặt phù hợp với quy định của Luật TTTM, mặt khác nó đảm bảo được quyền lợi của các bên khi thỏa thuận trọng tài này được xem xét và đánh giá đến hai lần.  Cụ thể:

Theo quy định của Luật TTTM[7], quy trình xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài được tiến hành như sau:

(i)  Nguyên đơn nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Trọng tài;

(ii) Sau khi được thụ lý, các bên chỉ định trọng tài viên và thành lập Hội đồng trọng tài;

(iii) Hội đồng trọng tài tiến xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của trọng tài.

  • Trường hợp Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền trọng tài không phù hợp với quy định của pháp luật, Trọng tài gửi thông báo đình chỉ giải quyết cho các bên;
  • Trường hợp Trọng tài xét thấy thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền trọng tài phù hợp với quy định của pháp luật, Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp.

(iv) Sau khi nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét quyết định của Hội đồng trọng tài về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và thẩm quyền của trọng tài.

Như vậy, theo quy định nói trên thì các bên chỉ có quyền khiếu nại đến Tòa án quyết định của Hội đồng trọng tài về việc đánh giá hiệu lực của thỏa thuận trọng tài sau khi đã có kết quả đánh giá của Hội đồng trọng tài.  Điều này cũng có nghĩa là, đến lúc này thẩm quyền xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài của Tòa án mới phát sinh.

Đối với quan điểm còn lại về vấn đề này, chúng tôi cho rằng nếu chấp nhận quan điểm này, thì cần làm sáng tỏ một số vấn đề sau:

(i) Nếu cho rằng tòa án có quyền đánh giá hiệu lực của thỏa thuận trọng tài căn cứ vào quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự là Tòa án cũng có thẩm quyền xem xét hiệu lực của các giao dịch dân sự.  Nếu dựa vào lập luận này, thì việc đánh giá hiệu lực này rõ ràng cũng phải tuân theo nguyên tắc hai cấp xét xử của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự.  Như vậy, rõ ràng cách giải quyết trong dự thảo chưa đáp ứng được nguyên tắc này.

(ii)  Tuy nhiên, nếu thực hiện hai cấp xét xử, thì điều này lại không phù hợp với quy định của Luật TTTM là tòa án chỉ xem xét hiệu lực của thỏa thuận này một lần[8].

(iii) Ngoài ra, nếu tuân theo quy định của Luật TTTM là Tòa án chỉ xem xét, đánh giá hiệu lực của Thỏa thuận trọng tài một lần, thì dường như chưa đảm bảo được quyền lợi của các bên như chúng tôi đã phân tích bên trên, là hiệu lực của thỏa thuận trọng tài được đánh giá hai lần, một lần bởi Hội đồng trọng tài, một lần bởi Tòa án.

Theo chúng tôi cần làm rõ được những vướng mắc nói trên, thì quan điểm được Dự thảo chọn mới mang tính thuyết phục và đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự cũng như Luật TTTM.

3.  Về thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài[9] tại Việt Nam

Tại mục IV.4 Tờ trình nêu lên hai quan điểm về thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, có ý kiến cho rằng Tòa án không có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp có yêu cầu thi hành phán quyết Trọng tài tại Việt Nam, các bên sẽ thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài. Quan điểm này cho rằng quy định như vậy sẽ góp phần bảo hộ các Tổ chức trọng tài trong nước, đảm bảo các quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm nói trên, có thể phù hợp đối với các tổ chức trọng tài nước ngoài không có chi nhánh tại Việt Nam. Còn các tổ chức trọng tài có chi nhánh hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, theo chúng tôi họ cũng cần đối xử bình đẳng như các tổ chức trọng tài trong nước trong việc nhận được những hỗ trợ từ Tòa án của Việt Nam trong quá trình xét xử của mình.  Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật TTTM[10].  Cụ thể, Luật TTTM cho phép chi nhánh của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được quyền cung cấp dịch vụ trọng tài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật nên rõ ràng các hoạt động của các chi nhánh Trọng tài nước ngoài ở Việt Nam cũng cần nhận phải được sự hỗ trợ từ Tòa án như các Tổ chức trọng tài trong nước.

Hơn nữa, việc này cũng không ảnh hưởng đến quan điểm bảo hộ cho các tổ chức trọng tài trong nước, vì theo chúng tôi, hoạt động của các tổ chức Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy các Tổ chức trọng tài trong nước phát triển và tạo ra môi trường tốt cho các trọng tài viên là người Việt Nam hoạt động.

4. Vấn đề có xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết của trọng tài theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hay không

Tại mục IV.5 Tờ trình, Viện KHXX trình bày hai phương án trái ngược nhau về vấn đề này.  Theo chúng tôi, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định.  Cụ thể:

(i) Phương án 1: Áp dụng thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm. Phương án này đảm bảo tính chuẩn xác cho quyết định của Tòa án đối với phán quyết của Trọng tài, tuy nhiên có thể sẽ khiến tố tụng kéo dài.  Đó là chưa kể đến trường hợp, sau khi Tòa án tuyên hủy phán quyết trọng tài, theo quy định, nó có hiệu lực ngay.  Các bên có thể đưa ra Trọng tài xét xử lại, và có thể có phán quyết mới của Trọng tài.  Nếu quyết định hủy phán quyết của Trọng tài trước đó bị cấp Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm hủy, thì có thể sẽ tồn tại đến hai phát quyết trọng tài có hiệu lực.

(ii)  Phương án 2: Không áp dụng thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm thì có thể phải chấp nhận quyết định hủy phán quyết Trọng tài của Tòa án sai nhưng vẫn được thi hành.

Chúng tôi cho rằng, Ban Soạn thảo cần cân nhắc lợi hại của hai phương án này để chọn ra Phương án nào tốt hơn.

5.  Vấn đề hướng dẫn như thế nào là “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”

Theo chúng tôi, Dự thảo đang đồng nhất hai khái niệm “Nguyên tắc cơ bản” và “Nguyên tắc” của pháp luật Việt Nam thành một và mở rộng phạm vi của khái niệm này ra “những nguyên tắc đã được pháp luật Việt Nam quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật” (Điều 16.5 của Dự Thảo).  Điều này sẽ dẫn đến rủi ro, là một số lượng phán quyết trọng tài rất lớn có thể bị hủy khi tòa án xác định có sự vi phạm nguyên tắc đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nào đó.  Trong khi, các giao dịch, là đối tượng giải quyết bằng trọng tài, đều là các giao dịch thương mại, và các bên có quyền tự do thỏa thuận, miễn là không vi phạm các điều cấm, trái đạo đức xã hội.  Vì thế, chúng tôi cho rằng cần thiết phải quy định lại điều khoản này.

________________

Trên đây là một số góp ý của chúng tôi về bản Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM.  Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm xem xét của Ban soạn thảo để quá trình hoàn thiện Dự thảo được diễn ra hiệu quả và xây dựng một Nghị quyết mang tính thực tiễn cao.


[1] Luật số 54/2010/QH12 về Trọng tài thương mại do Quốc hội ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2010 (“Luật TTTM”).

[2] Tờ trình số /TTr-KHXX về Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM do Viện khoa học xét xử ban hành năm 2013 (“Tờ trình”).

[3] Dự thảo số  2.2 về Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành năm 2013 (“Dự thảo”).

[4] Viện KHXX.

[5] Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (Quốc Hội, ngày 15/6/2004) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (Quốc Hội, ngày 29/3/2011) (“Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự”).

[6] Điều 6 Luật TTTM: Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.

[7] Điều 43, Điều 44, Luật TTTM.

[8]  Khoản 4 Điều 44 Luật TTTM: […]Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng. Khoản 10 Điều 71 Luật TTTM: Quyết định của Tòa án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

[9]  Khoản 11 Điều 3 Luật TTTM: Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

[10]  Khoản 7, Điều 76 Luật TTTM quy định Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài có quyền cung cấp dịch vụ trọng tài theo quy định của pháp luật.





Ý kiến góp ý đối với Dự thảo “Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân”

18 05 2013

??????????????????Dưới đây là nội dung tôi và một bạn đồng nghiệp nghiên cứu để góp ý kiến đối với Dự thảo “Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” xin được chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là các đồng nghiệp cùng hành nghề tranh tụng tại tòa án các cấp ở Việt Nam. Chúng tôi rất hoang nghênh những ý kiến góp ý của bạn đọc đối với những nội dung góp ý này.

GÓP Ý DỰ THẢO

“PHÁP LỆNH XỬ LÝ CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN” 

A.  TỔNG QUAN NỘI DUNG GÓP Ý DỰ THẢO PHÁP LỆNH XỬ LÝ CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

Trong thời gian qua, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân ngày càng gia tăng, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với việc thực thi pháp luật. Do đó, việc hoàn thiện và ban hành Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân (Sau đây gọi là “Pháp lệnh”) là điều hết sức cần thiết.  Trên tinh thần xây dựng để tạo nên một Pháp lệnh đảm bảo các tiêu chí: (i) Rõ ràng, đầy đủ về nội dung, (ii) Chuẩn xác về khái niệm, (iii) Dễ áp dụng trên thực tiễn, và (iv) Đảm bảo tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, chúng tôi trình bày các vấn đề cần được xem xét bổ sung, sửa đổi trong dự thảo Pháp lệnh (Sau đây gọi là “Dự thảo”) với bố cục gồm hai phần như sau:

1. Góp ý về các vấn đề của Dự thảo còn có ý kiến khác nhau

Trong phần này, chúng tôi trình bày ý kiến về các nội dung của Pháp lệnh hiện đang có những quan điểm khác nhau và đưa ra sự lựa chọn chúng tôi cho là hợp lý.  Cụ thể, chúng tôi sẽ trình bày quan điểm về các vấn đề được nêu tại tờ trình đính kèm Dự thảo, bao gồm:

(i) Tên Pháp lệnh;

(ii) Phạm vi điều chỉnh;

(iii) Việc xử lý đối với hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của tòa án; và

(iv) Khiếu nại trong xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

2. Góp ý các điều khoản cụ thể của Dự thảo

Trong phần này, chúng tôi góp ý một số điều khoản cụ thể của Dự thảo. Từ đó, nêu lên những giải pháp đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo.

B. NỘI DUNG CHÍNH

I. GÓP Ý VỀ CÁC VẤN ĐỀ CỦA DỰ THẢO CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU

1. Tên Pháp lệnh

Chúng tôi thống nhất quan điểm với Tòa án nhân dân tối cao trong việc chọn tên Pháp lệnh là “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án”.  Bởi lẽ, hoạt động tố tụng là hoạt động tư pháp, không phải là các hoạt động hành chính – quản lý nhà nước, chính vì thế các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án không phải là hành vi vi phạm hành chính mà là các hành vi xâm phạm đến các hoạt động tư pháp, xét xử của tòa án.

Nếu cho rằng việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là xử lý hành chính, thì điều này hoàn toàn không phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật hành chính.  Cụ thể, tại Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13, khoản 1, Điều 2 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.  Như vậy, rõ ràng vấn đề xử lý hành chính chỉ được đặt ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước[1], phạm vi điều chỉnh của vấn đề xử lý hành chính không bao gồm các vấn đề liên quan tới hoạt động tố tụng vốn thuộc lĩnh vực tư pháp.

Từ lý do trên đây, chúng tôi cho rằng, “Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án” là tên gọi phù hợp với bản chất và mục đích của Pháp lệnh này.

2. Phạm vi điều chỉnh

Hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân vốn là một lĩnh vực rất rộng từ hành chính, dân sự đến hình sự, trong các lĩnh vực khác nhau quy trình tố tụng lại có những đặc thù và các nguyên tắc riêng.  Vì vậy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân ở các lĩnh vực này sẽ không giống nhau (Chẳng hạn trong hoạt động tố tụng dân sự và hành chính, các hành vi cản trở có thể xuất hiện từ quá trình nộp đơn khởi kiện cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng trong hoạt động tố tụng hình sự sẽ có nhiều giai đoạn hơn gồm khởi tố, điều tra, truy tố, mới đến hoạt động xét xử).

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cũng nên làm rõ các vấn đề là Pháp lệnh có điều chỉnh các hành vi cản trở hoạt động tố tụng đối với giai đoạn trước xét xử của Tòa án hay không? Nếu không, thì cần nói rõ những hành vi cản trở hoạt động tố tụng trước giai đoạn xét xử như khởi tố, điều tra, truy tố sẽ được điều chỉnh riêng bằng văn bản khác.  Còn nếu pháp lệnh này điều chỉnh tất cả các giai đoạn này thì cần bổ sung quy định xử lý đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

3. Việc xử lý đối với hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của tòa án

Chúng tôi đồng ý với quan điểm không nên quy định xử lý đối với việc đương sự không chấp hành yêu cầu triêu tập của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự.  Theo chúng tôi, Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành có quy định về hậu quả do sự vắng mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự[2].  Vì vậy, nên quy định là đối với hành vi không chấp hành triệu tập của tòa án trong hoạt động tố tụng dân sự sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, không nên quy định trong Pháp lệnh này để tránh chồng chéo, các quy định thì mâu thuẫn lẫn nhau.

4.  Khiếu nại trong xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Chúng tôi thống nhất quan điểm với Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề khiếu nại trong hoạt động đặc thù của Tòa án cần có trình tự, thủ tục nhanh gọn để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết vụ án.  Hơn nữa, như đã phân tích bên trên, hoạt động tố tụng là một hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp, và do đó, không nên áp dụng các quy định như xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

II.  GÓP Ý CÁC ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ CỦA DỰ THẢO

Chúng tôi xin trình bày quan điểm góp ý đối với một số điều khoản sau trong Dự thảo.

1. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Như phân tích bên trên, chúng tôi cho rằng nên xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này liên quan đến các hoạt động tố tụng trước xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự hay không?  Rõ ràng, các hành vi cản trở các hoạt động tố tụng trước giai đoạn xét xử chắc chắn có tồn tại, và nó cũng cần được xử lý.  Vì vậy, Pháp lệnh này cần nói rõ có xử lý các hành vi này hay không hay các hành vi này sẽ được điều chỉnh ở văn bản khác?

2. Điều 2. Giải thích từ ngữ

Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo quy định như sau: “Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là hành vi có lỗi do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện nhằm cản trở các hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Từ câu chữ của quy định này, có thể hiểu khái niệm “Hành vi trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” dường như bó hẹp dưới dạng “Thực hiện hành vi vi phạm pháp luật” mà không đề cập tới hình thức “Không thực hiện một hành vi theo quy định của pháp luật”.  Do đó, để đảm báo tính chính xác, đầy đủ của định nghĩa này, chúng tôi đề xuất bổ sung khoản 2, Điều 2 của Dự thảo như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

2. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân là hành vi có lỗi do cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện hoặc không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhằm cản trở các hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Điều 5. Những hình thức xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Khoản 4, Điều 5 Dự thảo quy định các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: (i) Buộc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, (ii) Buộc sửa đổi đơn, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án, (iii) Buộc cử đại diện tham gia theo yêu cầu của Tòa án, và (iv) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác theo quy định của pháp luật là tương đối đầy đủ.  Tuy nhiên, ngoài các biện pháp khắc phục nói trên, theo chúng tôi nên bổ sung thêm biện pháp “Buộc chấm dứt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án” vào các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo mọi vi phạm, hành vi cản trở sẽ bị chấm dứt và được khắc phục đầy đủ.

4. Điều 10. Tình tiết giảm nhẹ

Khoản 8, Điều 10 của Dự thảo quy định về tình tiết giảm nhẹ như sau: “Các tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định của pháp luật”.  Tuy nhiên, chúng tôi lại không rõ các quy định pháp nào sẽ quy định những tình tiết giảm nhẹ để người có thẩm quyền xử lý cân nhắc khi ra quyết định xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cách thức xác định, áp dụng như thế nào?  Với các quy định chung chung kiểu này dễ dẫn đến việc quy định này không thể áp dụng trong thực tế.

Theo chúng tôi, có thể tham khảo cách thức quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự về việc giao cho người có thẩm quyền xử lý có quyền xem xét và coi các tình tiết giảm nhẹ khác khi xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng, và các tình tiết giảm nhẹ khác này có thể được quy định trong các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh này.

5. Điều 13. Khiếu nại tố cáo trong xử lý hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Tiêu đề Điều 13 không thống nhất với tinh thần chung của Pháp lệnh.  Pháp lệnh khẳng định các vấn đề được điều chỉnh không phải là hành vi hành chính thông thường, vì vậy không nên sử dụng cụm từ “Xử lý hành chính” trong điều khoản này.  Bên cạnh đó, việc sử dụng cụm từ “Xử lý hành chính” cũng không phản ánh được bản chất của vấn đề và mâu thuẫn với quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành chính[3].  Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi tiêu đề Điều 13 của Dự thảo như sau:

Điều 13. Khiếu nại tố cáo trong xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

6. Điều 16. Các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Trong Điều 16 của Dự thảo, chúng tôi nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung ba vấn đề sau:

a. Sửa đổi khoản 2

Khoản 2, Điều 16 Pháp lệnh quy định hành vi không chấp hành triệu tập của Tòa án là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.  Như chúng tôi đã phân tích, riêng trong hoạt động tố tụng dân sư, thì việc không có mặt theo yêu cầu triệu tập của tòa án đã có được xử lý theo quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sư, người vắng mặt đã phải chịu hậu quả do việc vắng mặt của mình nên không cần thiết phải xử lý.  Do vậy, quy định này nên sửa đổi thành:

Hành vi không chấp hành triệu tập của Tòa án, riêng việc không chấp hành triệu tập của Tòa án trong hoạt động động tố tụng dân sự sẽ tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.”

b. Cân nhắc bổ sung đối tượng được bảo vệ bởi Pháp lệnh tại khoản 3

Khoản 3, Điều 16 Pháp lệnh quy định: “Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án” là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Tuy nhiên, trong thực tế việc tham gia vào hoạt động tố tụng không chỉ có những người tiến hành tố tụng, những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án (mà theo giải thích của ban soạn thảo là người giám định, phiên dịch), còn có người bảo quyền lợi của các đương sự, người làm chứng.  Như vậy, khi có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và sức khỏe của những người này, thì hành vi này có thể sẽ không bị xử lý vì không có quy định.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, khoản 3, Điều 16 Pháp lệnh nên được xem xét sửa đổi như sau: “Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án” hoặc quy định rõ, hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín và sức khỏe của những người tham gia tố tụng sẽ bị xử lý dưới góc độ vi phạm trật tự, nội quy phiên tòa.

c. Bổ sung đối tượng được bảo vệ tại khoản 4

Khoản 4, Điều 16 quy định “hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án” là hành vi trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Như vậy, hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của các đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự sẽ không bị coi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng và dĩ nhiên sẽ không bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh.  Trong khi trong hoạt động tố tụng dân sự, thì trách nhiệm chính trong việc xác minh thu thập, chứng cứ thuộc về các đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi của họ.

Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ cũng như mục đích của Pháp lệnh, cần bổ sung thêm đối tượng được bảo vệ là hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của các đương sự hoặc người bảo vệ quyền lợi của các đương sự.  Theo đó, khoản 4, Điều 16 Pháp lệnh nên được xem xét sửa đổi như sau:

Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án, các đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.

7. Điều 17. Xử lý các hành vi vi phạm trật tự, nội quy phiên Tòa

Nguyên văn khoản e của Điều 17 của Dự thảo quy định: “Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Tòa án nơi giải quyết vụ án

Theo chúng tôi, đối với hoạt động của cơ quan báo đài khi đưa tin về hoạt động xét xử thì cần sự cho phép bằng văn bản của Chánh án là hợp lý.  Tuy nhiên, việc ghi âm hoặc ghi hình của các đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa mà xin phép Chánh án hoặc Chủ tọa phiên tòa bằng văn bản là bất hợp lý.

Ngoài ra, nội dung của điều khoản này là khó hiểu, không rõ ràng.  Theo chúng tôi điểm e, khoản 1, Điều 17 Pháp lệnh nên được sửa đổi như sau:

Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa mà không được sự cho phép bằng văn bản của Chánh án Tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc không được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án hoặc thực hiện việc ghi âm, ghi hình không đúng theo hướng dẫn và sắp xếp vị trí của Tòa án nơi giải quyết vụ án

8. Điều 18. Xử lý các hành vi không chấp hành yêu cầu triệu tập của Tòa án

Xin vui lòng xem các phân tích, góp ý của chúng tôi tại mục 6, phần II bên trên.

9. Điều 19. Xử lý hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án

Như chúng tôi đã phân tích bên trên, theo chúng tôi cho rằng Điều 19 của Pháp lệnh nên được xem xét sửa đổi như sau:

Điều 19. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng ngôn ngữ, hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.

10. Điều 20. Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án

Như đã trình bày, phân tích tại mục 6 (c), chúng tôi cho rằng Điều 20 của Pháp lệnh nên được xem xét sửa đổi như sau:

Điều 20. Xử lý hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án, các đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ

11. Điều 22. Xử lý hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án

Khoản 1, Điều 22 của Pháp lệnh quy định về “phạt cảnh cáo đối với hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án”.

Theo quy định nói trên, thì các hành vi cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thường gặp khác trên thực tế không được quy định này nhắc đến, chẳng hạn như hành vi “dụ dỗ” nhằm cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án.  Theo chúng tôi, đây là điểm chưa chặt chẽ của quy định này.  Vì vậy, khoản 1, Điều 22 của pháp lệnh nên được xem xét sửa đổi như sau:

Phạt cảnh cáo đối với hành vi đe dọa, hành hung, dụ dỗ hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở cá nhân, cơ quan, tổ chức đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án

12. Điều 26. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân

Trong Điều 26 của Dự thảo, chúng tôi nhận thấy hai điểm cần được xem xét ở các điểm sau:

a. Thiếu quy định cho phép người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị vượt quá giá trị mà người có thẩm quyền được tịch thu.

Điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 quy định người có thẩm quyền có quyền “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định ở điểm b khoản này”.  Theo quy định được trình bày tại Dự thảo, mức tiền phạt mà (i) Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc; (ii) Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản và (iii) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, có quyền phạt tối đa lần lượt là 1.000.000 đồng, 5.000.000 và 7.500.000 đồng.

Trên thực tế, sẽ xảy ra trường hợp các phương tiện vi phạm quy định của Pháp lệnh có giá trị vượt quá mức quy định trên, chẳng hạn như máy ghi âm, máy quay phim có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu, đều vượt quá mức phạt tiền nói trên.  Nếu không có quyền tịch thu vì vượt quá hạn mức, thì người có thẩm quyền sẽ phải xử lý thế nào?  Do đó, theo chúng tôi cần trao thêm cho người có thẩm quyền nói trên quyền tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm, khi giá trị của chúng cao hơn mức giá trị mà người có thẩm quyền đó có quyền tịch thu.

b. Có sự chồng chéo trong nội dung quy định việc áp dụng các hình thức xử lý bổ sung và biện pháp khắc phục.

Điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 của Điều 26 quy định người có thẩm quyền được quyền “Áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 5 của Pháp lệnh này”.  Khoản 3, Điều 5 của Pháp lệnh quy định hình thức xử lý bổ sung bao gồm: (i) Buộc rời khỏi phòng xử án, và (ii) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Như vậy, theo quy định tại điểm d khoản 1, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 3 của Điều 26 thì người có thẩm quyền được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bất kể giá trị tang vật, phương tiện vi phạm.  Điều này mâu thuẫn với quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, Điều 26 như chúng tôi đã phân tích bên trên.  Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo nên làm rõ và quy định các điểm này để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau.

13. Điều 28. Buộc chấm dứt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Chúng tôi cho rằng cần xem xét lại việc xếp Điều 28 vào chương IV. Thủ tục xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.  Bởi lẽ, về mặt câu chữ, cụm từ “Thủ tục xử lý” được hiểu theo cách thông thường (và hợp lý) là cách thức, trình tự được đặt ra để giải quyết một vấn đề.  Trong khi đó, “Buộc chấm dứt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” lại mang ý nghĩa là một hình thức xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án hoặc là một biện pháp khắc phục hoặc một biện pháp ngăn chặn.

Do đó, việc xếp quy định về “Buộc chấm dứt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” vào chương quy định về thủ tục xử lý là chưa hợp lý.  Vì vậy, chúng tôi đề xuất xem xét xếp quy định về “Buộc chấm dứt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” vào phần các biện pháp khắc phục như đã được trình bày bên trên và các biện pháp ngăn chặn như được trình bày bên dưới đây.

14. Điều 37. Ra quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Khoản 4, Điều 37 của Dự thảo quy định 09 nội dung trong Quyết định xử lý, trong đó, không đề cập tới tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Theo quan điểm của chúng tôi, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ là những yếu tố quan trọng có khả năng thay đổi mức độ của biện pháp xử lý.  Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của đối tượng bị xử lý.  Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung nội dung bổ sung nội dung này vào điểm e, khoản 4, Điều 37 Pháp lệnh như sau:

Hình thức, mức xử lý; hình thức xử lý bổ sung, biện pháp khắc phục, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ (nếu có)

15. Điều 40. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

Khoản 3, Điều 40 quy định người có thẩm quyền xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng cuả Tòa án nhân dân có quyền “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân”.  Theo chúng tôi hiểu, các biện pháp để ngăn chặn là để buộc chấm dứt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hoặc để đảm bảo việc xử lý các hành vi này, chứ không phải là quyết định xử lý cuối cùng.  Chính vì thế, quy định “tịch thu” tang vật, phương tiện là không hợp lý, vì chưa biết rõ hành vi này có bị xử lý hay không, có thuộc thẩm quyền của người đã ra quyết định tịch thu hay không? Chính vì thế, nên sửa lại quy định này như sau:

Tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân

16. Điều 50. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

Khoản 1, Điều 50 của Dự thảo quy định về quyền của người khiếu nại, nhưng lại không đề cập tới quyền nhờ luật sư tư vấn về pháp luật, trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.  Trong khi, các thủ tục tố tụng phức tạp, bản thân đương sự có thể không am hiểu và không thể hiểu rõ hết các thủ tục, quyền và nghĩa vụ của mình khi khiếu nại.  Do vậy, nên có quy định về việc người khiếu nại nên có quyền được nhận sự trợ giúp pháp lý từ luật sư.  Vì vậy, chúng tôi đề xuất khoản 1, Điều 50 của Pháp lệnh nên được xem xét bổ sung như sau:

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

e) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật, trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

———————–

Trên đây là một số góp ý của chúng tôi về bản Dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.  Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm xem xét của Ban soạn thảo để quá trình hoàn thiện Dự thảo được diễn ra hiệu quả và xây dựng một Pháp lệnh mang tính thực tiễn cao.

Trân trọng,


[1] Theo quy định tại Điều 109 Hiến pháp, thì hoạt động quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ – cơ quan hành pháp tối cao của nước ta.

[2]  Điều 199 và Điều 202 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011.

[3]  Khoản 1 điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 06 năm 2012 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.  Như đã phân tích, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân không phải là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước nên không thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.





Liệu Bạn Có Biết Vì Sao Bạn Dành Được Phần Thắng?

26 04 2013

????????????????????????????????????????????????????????Trên trang web Attorney at Work đã có một cuộc bàn luận khá thú vị về việc một hãng luật cần phải làm gì khi không thể thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Một vài lời khuyên hữu ích từ Bà Merrilyn Astin Tarlton khi gặp tình huống như vậy.  Điều đầu tiên cần làm là hãy quên nó đi.  Sau đó hãy liên lạc lại với người có quyền quyết định và tìm hiểu vì sau bạn lại thua (tất nhiên là không mang tính đe dọa), và chia sẻ thông tin đó cho các thành viên khác trong nhóm của mình.  Cuối cùng, hãy sắp xếp mọi thứ gọn gàng và cần làm tốt hơn nữa khi mà bạn phải chiến đấu trong lần tới.

Bà Tarlton cũng đưa ra một số cách để bạn có thể đặt câu hỏi vì sao bạn lại thua.  Một cách là hãy hỏi bạn đã có thể làm gì để mang lại kết quả tốt hơn và cách thứ hai là hãy hỏi tại sao hãng luật kia lại thuyết phục được khách hàng.  Tôi thích cách tiếp cận đầu tiên hơn vì theo ý kiến của tôi, cách tiếp cận thứ hai có vẻ thiên về quyết định của những người có thẩm quyền mà thôi.  Nhưng dù sao thì bạn cứ tiếp cận theo cách mà bạn thấy phù hợp nhất.  Điều quan trong là cần phải hỏi.

Tôi cũng đã tham gia bình luận và góp ý rằng, bạn không chỉ nên phân tích vấn đề khi bạn thua, mà cũng cần xem xét và phân tích vì sao bạn thắng. Lý do rất đơn giản.  Bạn có thể thắng nhưng không theo cách mà bạn đã dự liệu, và bạn có thể bạn sẽ không may mắn như thế lần nữa.  Do đó, việc đánh giá vì sao bạn thắng cũng rất quan trọng (hoặc vì sao hãng luật kia lại thua).

Có một câu chuyện xảy ra vào năm 2008, tôi viết một bài blog về kinh nghiệm của mình khi tôi còn làm luật sư nội bộ cho doanh nghiệp.  Chúng tôi đã dành được khách hàng, nhưng không theo cách chúng tôi dự liệu.  Chúng tôi được biết rằng hãng luật kia đã đưa ra một bản chào tốt hơn chúng tôi nhưng họ lại thua.  Vì sao?  Vì họ đã cử một luật sư không thực sự giỏi để thuyết trình. Và chúng tôi đã thắng.

Người dịch: Phương Ý Nhi





5 Lời Khuyên Đơn Giản Về Tiếp Thị Cho Luật Sư Trẻ (và Đã Có Kinh Nghiệm)

21 04 2013

LawTác giả: Tom Kane, ngày 2 tháng 4 năm 2013 đăng trên Legal Marketing Blog

(Lời người dịch: Khi kinh tế khó khăn, thị trường pháp lý bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có cả thị trường pháp lý Việt Nam.   Sự cạnh tranh của thị trường pháp lý đã khốc liệt ngày lại càng khốc liệt hơn. Chính vì thế, luật sư và các hãng luật của chúng ta càng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển hoạt động kinh doanh của mình, trong đó có các kỹ năng về tiếp thị trong nghề luật. Chính vì lý do đó, trong thời gian sắp tới, tôi sẽ dành thời gian để dịch một số bài viết hay về tiếp thị trong thị trường pháp lý để chia sẻ cho mọi người cùng tham khảo).

Thi thoảng, tình cờ tôi có đọc các bài báo hoặc bài viết trên blog khiến cho tôi thực sự ấn tưởng bởi sự dễ hiểu và rõ ràng của chúng. Chẳng hạn như trường hợp khi tôi đọc qua bài báo của một luật sư của Orlando là Tony Sos được xuất bản trên mạng gần đây của Law Practice Today.  Những lời khuyên về tiếp thị rất thực tiễn của ông ấy ban đầu được dành cho những luật sư trẻ, nhưng tôi cho rằng như thế là quá giới hạn. Rất nhiều luật sư có kinh nghiệm cũng có thể có những lợi ích từ những lời khuyên này, chậm chí nó chỉ như làm mới lại mình. Vậy hãy xem nhưng gì là đúng với họ:

1. Luôn đứng đầu trong suy nghĩ của khách hàng và các nguồn giới thiệu (Sos chỉ đề cập đến nguồn giới thiệu nhưng tôi tính cả thêm khách hàng vì hiển nhiên rằng họ chính là nguồn giới thiệu tốt nhất).  Tôi thích ý tưởng lên kế hoach mỗi tháng mời một số lượng nguồn tham khảo nhất định đi ăn trưa (hoặc cà phê nếu thời gian của bạn không cho phép) của ông ấy. Tôi cũng thích việc xây dựng một danh sách liên lạc theo quý và ít nhận giữ liên hệ bằng một trong các cách như (bằng email, điện thoại, tham việc, đi ăn trưa hoặc gửi thông tin hữu ích cho họ) vào mỗi quý.  Chẳng hạn danh sách của bạn có 50 người, thì số lượng tiếp xúc/cơ hội đứng đầu danh sách trong đầu sẽ là 200. Nó thực sự hiệu quả;   

2. Nói để vượt qua sự thiếu kinh nghiệm và xây dựng hồ sơ cá nhân. Nó giải thích vì sao lời khuyên này nằm thứ 6 trong 10 Lời Khuyên Tiếp Thị Của Kane. Và khi bạn sắp có một bài nói chuyện, hãy cho mọi người biết nó trên phương tiện truyền thông, cũng như những người trong danh sách liên lạc của bạn (bạn có thể chuyển bài nói chuyện của bạn thành một bài viết để xuất bản (Số 7 trong danh sách của tôi) dưới hình thức bản in và cả hình thức online);

3. Tích cực tìm kiếm các cơ hội để tìm nguồn giới thiệu. Có một cách để làm điều đó mà theo như Sos đó là tạo một danh sách các luật sư không cạnh tranh trong cùng lĩnh vực. Khi bạn có cơ hội hoặc được yêu cầu, bạn có thể nhanh chóng giới thiệu cho danh sách của bạn và ngược lại. Hãy đảm bảo là để nguồn giới thiệu này hoặc các nguồn khác là bạn đã thực hiện việc giới thiệu.

4. Tham gia các tổ chức nơi có các khách hàng lý tưởng của bạn. Đây là số 10 trong danh sách các lời khuyên hàng đầu của tôi, và có thể kể đến các phòng thương mại địa phương hoặc các hiệp hội nghề nghiệp mà khách hàng hiện tại hoặc khác hàng lý tưởng của bạn là thành viên. Theo kịp các vấn đề ảnh hưởng đến tổ chức, bạn có thể đề xuất thực hiện một bài nói chuyển (hoặc viết một bài báo) cho các thành viên của hiệp hội.  Điều này cũng giúp đạt được lời khuyên số 2 bên trên; và   

5. Thực hiện công việc pháp lý xuất sắc.  Vâng, đúng vậy, tôi gần như quên mất điều này.  Không đúng thế à?  Những bậc trưởng bối của chúng ta có thể nói về những ngày đã qua khi mà mọi thứ nó cần là đạt được nhiều hoạt động kinh doanh hơn là thực hiện tốt công việc pháp lý. Ngày nay chúng ta hiểu biết tốt hơn, và điều đó giải thích vì sao nó là nguyên tắc số 5 trong danh sách. Đây là một điều quan trọng để thành công, nhưng bạn cần phải làm nhiều hơn trong thị trường cạnh tranh ngày nay.

Như tôi đã nói, đây là những điều cơ bản nhất và các chiến thuật không khó để bạn phát triển hoạt động kinh doanh dành cho cả luật sư trẻ và các luật sư nhiều kinh nghiệm. Đừng chần chừ nữa và hãy thực hiện ngay những lời khuyên này ngày hôm nay.

Người dịch: Đây chỉ là bản dịch không chính thức, có thể chưa hoặc không phản ánh chính xác ý của tác giả. Nếu bạn muốn tham khảo bản gốc có thể tìm nó tại Legal Marketing Blog. Xin cảm ơn.





Giới thiệu sách: Tài Ba Của Luật Sư – Tác giả: Nguyễn Ngọc Bích

9 07 2012

ẢnhCó khá nhiều bạn quan tâm đến nghề Luật và có để lại những băn khoăn, thắc mắc tại trang web này. Có bạn trẻ thì tò mò bước vào nghề này cần phải có những yếu tố gì để thành công? Còn có bạn thì đang học luật nhưng phân vân liệu mình có theo được nghề, có thành công trong nghề?

Là người từng đọc sách của thầy, xin được gọi vậy, tôi đã rất ấn tượng với kiến thức uyên bác và cách giải thích dí dỏm, thông minh nhưng dễ hiểu với những vấn đề phức tạp và tưởng như rất cao siêu của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích liên quan đến các vấn đề pháp luật, cũng như nghề Luật. Và tôi cũng biết, các bạn trẻ đã thắc mắc, chắc chắn sẽ tìm ra phần nào đó câu trả lời cho những phân vân, thắc mắc của mình về luật và nghề Luật trong cuốn sách “Tài Ba Của Luật Sư” của thầy.

Xin được chia sẻ và giới thiệu cùng các bạn cuốn sách này. Bạn có thể tìm mua tại các nhà sách hoặc nhà sách mạng Vinabook.

Dưới đây là nội dung vắn tắt của Vinabook tóm tắt:

Tài ba của luật sư là nói đến khả năng phân tích các sự kiện, vấn đề trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau và kết nối chúng với luật pháp tương ứng. Để có và đạt được những khả năng này các luật sư, nhất là các luật sư mới vào nghề cần phải có những điều kiện và kỹ thuật nhất định giống như là hậu thì phải có chân dài. Đó chính là nội dung được trình bày trong cuốn sách này. Sách gồm các phần. Phần một, giải nghĩa suy nghĩ kiểu luật sư: nó là gì, tại sao dùng, điều kiện phải có để sử dụng nó; Phần hai, trình bày cách suy nghĩ kiểu luật sư, tức là làm gì và làm thế nào; Phần ba, đưa ra một số vụ để các bạn thực tập. Cuối cùng, là phần mở rộng kiến thức. cuốn sách sẽ là tài liệu gối đầu của những ai muốn trở thành luật sư.





Khởi Kiện Trong Trường Hợp Không Khiếu Nại Theo Luật Thương Mại 2005

22 03 2012

Trước đây, Luật Thương mại 1997 có quy định về thời hiệu khiếu nại đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa mà nếu các bên không khiếu nại trong thời hạn thì họ bị mất quyền khởi kiện.

Đến khi Luật Thương Mại năm 2005 ra đời quy định nói trên bị bãi bỏ.  Tuy nhiên, luật này lại không đề cập đến hậu quả pháp lý của việc không khiếu nại trong thời hạn khởi kiện có dẫn đến việc mất quyền khởi kiện hay không?  Việc này dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau.  Bài viết của TS Phan Huy Hồng – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã phần nào giải đáp và đưa ra hướng giải thích cho việc Luật Thương mại không quy định về vấn đề này.  Bạn có nhu cầu nghiên cứu sâu hoặc đang vướng mắc về vấn đề này, hãy xem tài liệu dưới đây.

Link: Thoi hieu khieu nai trong LTM